Ngày đăng: 24/02/2011
DIỆN MẠO CỦA TRUNG TÂM KHU ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ hướng quận 1. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Công ty Tư vấn Defrain Souquet Deso Associes (Deso) vừa có Báo cáo đầu kỳ công tác lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tham vọng xây dựng một không gian công cộng tiêu biểu như là “tấm bưu thiếp tương lai” của TPHCM.
Của dòng sông, hồ nước, gió, bóng râm... và cây cầu.
Kiến trúc sư (KTS) Olivier Souquet, Công ty Deso, đã “vẽ” công viên bờ sông và quảng trường trung tâm Thủ Thiêm trong tương lai thật là đẹp. Dựa vào địa lý tự nhiên của một vùng sông nước, công viên bờ sông và quảng trường trung tâm Thủ Thiêm được thiết kế có cung bậc (tạo dòng chảy lưu thông giữa các hồ) và màu sắc (màu của đất, của nước, của cây cối...). Với mặt tiền là sông Sài Gòn, mặt hậu là hồ trung tâm Thủ Thiêm, KTS Olivier Souquet muốn “nước, gió và cây xanh sẽ là yếu tố chủ đạo của quảng trường”.
Vậy làm thế nào để quảng trường có thể “đối thoại” được với dòng sông Sài Gòn? Ý tưởng dẫn nước sông Sài Gòn vào quảng trường đã được Deso đặt ra nhưng vì vấn đề vệ sinh, chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn không cho phép nên một phương án khác đã được đề xuất là xây dựng một hồ chứa nước sạch lớn để dẫn đến các hồ nhỏ nằm rải rác trên quảng trường. “Hồ nước lộ thiên này sẽ là di sản kiến trúc sau này vì nó tạo được cảnh quan đặc thù cho Thủ Thiêm”, ông Olivier Souquet nói.
Một khu vườn bách thảo (trồng nhiều loại cây đặc trưng của vùng TPHCM) cũng đã được đề xuất trong công viên quảng trường này. Với những luồng gió mát từ sông Sài Gòn mang đến, mặt nước phân bố khắp nơi trên quảng trường, cây xanh che phủ chung quanh... Công viên bờ sông và quảng trường là một đồ án mang tính sinh thái cao - tương ứng đặc biệt của bán đảo Thủ Thiêm.
Với chức năng mang tính hỗn hợp của các không gian - vừa có không gian phục vụ lễ hội lớn vừa có những chốn tĩnh lặng phục vụ nhu cầu thư giãn - công viên quảng trường còn có chức năng đáp ứng các hoạt động diễu hành, diễu binh. Những khán đài di động sẽ được dựng lên bên bờ sông Sài Gòn và không gian nơi đây cho phép thực hiện các lễ diễu binh, diễu hành với xe pháo trên bờ, tàu chiến dưới sông và máy bay trên dòng sông Sài Gòn. Theo tính toán của Deso, với diện tích 432.000 mét vuông của công viên bờ sông và quảng trường, vào những lúc cao điểm có thể “chứa” đến 1,8 triệu người.
Tuy nhiên, công viên quảng trường này sẽ kết nối với trung tâm lịch sử TPHCM như thế nào? Deso đưa ra giải pháp kết nối giữa bờ Đông và bờ Tây sông Sài Gòn bằng hai chiếc cầu đi bộ (nối hai bên hông quảng trường với vòng xoay Mê Linh và cuối đường Nguyễn Huệ). “Hai chiếc cầu này như hai cánh tay dang ra đón người dân TPHCM từ bờ Tây sông Sài Gòn sang công viên quảng trường”, Olivier Souquet nói. Vì vậy, hai chiếc cầu này sẽ được thiết kế tạo được cảnh quan và dấu ấn kiến trúc đặc trưng cho TPHCM.
Còn những ý kiến khác...
Đại diện Công ty Sasaki, đơn vị thiết kế toàn bộ Khu đô thị Thủ Thiêm, cho rằng phương án đưa ra hai cây cầu đi bộ với ý tưởng hai cách tay đưa ra nối với khu trung tâm lịch sử của TPHCM rất hay. “Điều này giúp nối kết bán đảo Thủ Thiêm với dãy đô thị bờ Tây sông Sài Gòn một cách hợp lý, khả thi”, ông này nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đặt ra rằng, người dân Sài Gòn có thói quen dùng xe gắn máy. Vậy, với cầu đi bộ thì người dân đến nơi đây bằng phương tiện gì để đi bộ? KTS. Lê Quang Ninh, nói: “Tôi không đồng ý với phương án cầu đi bộ. Với phương án cầu đi bộ này thì nguy cơ tập trung người dân về khu vực trung tâm sẽ vô cùng đông đúc”. Theo ông Ninh, dự án cầu Thủ Thiêm 2, nối từ Ba Son qua Thủ Thiêm nên là dự án cầu cảnh quan có lối đi bộ.
Đối với công viên quảng trường, ông Ninh cho rằng đây là một dự án đẹp và lãng mạn. “Nhưng dường như quảng trường thiếu yếu tố kết nối với Tháp trung tâm tại Thủ Thiêm”, ông nói. Còn KTS. Lưu Trọng Hải cho rằng, quảng trường đã bị các khối nhà cao tầng chắn tầm nhìn ra Tháp trung tâm. Theo ông hai dãy nhà cao tầng hai bên quảng trường nên được hạ thấp xuống; đồng thời chúng nên là các công trình công cộng như nhà hát, rạp xiếc... thay vì mang tính chất thương mại.
Về chức năng của quảng trường, ông Hải cho rằng, việc diễu hành mang tính chất chính trị không cần thiết tại quảng trường này. “Nên đặt vấn đề nhân văn cao hơn tính chính trị tại quảng trường này”, ông Hải nói. Tuy nhiên, ông Hải ủng hộ phương án về hai cầu đi bộ nối với trung tâm lịch sử. Nhưng, theo ông, hai cây cầu này phải mang nặng tính nghệ thuật, là biểu trưng cho TPHCM.
Vấn đề kết nối giao thông với công viên quảng trường được nhiều chuyên gia lưu ý. Một lãnh đạo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng vấn đề kết nối giao thông tại các đầu cầu đi bộ (cũng như tại các trạm metro trong tương lai) với khu vực công viên quảng trường cần phải được tính toán kỹ. Một cán bộ của Ban quản lý đường sắt nêu câu hỏi: “Sẽ tổ chức giao thông thế nào khi sức chứa của khu vực này lên đến 1,8 triệu người?”. Vị này đặt câu hỏi rằng, từ trạm dừng của tuyến metro số 2 ở đầu đường Hàm Nghi (phía bờ Tây sông Sài Gòn) đi đến cầu đi bộ như thế nào? Nhà ga metro phía Thủ Thiêm cách quảng trường chừng 200-300 mét thì dòng người di chuyển ra sao?
Theo tính toán của ông này, một giờ metro chỉ vận chuyển tối đa 30.000 hành khách. Vậy với các lễ hội lớn vấn đề giao thông sẽ ra sao? Những câu hỏi thế này sẽ được Công ty Tư vấn Deso giải quyết trong thời gian tới, tuy nhiên đây quả là một thách thức lớn.
Theo TBKTSG (24/02/2011)